Việt Nam Quận_vương

Trong lịch sử Việt Nam, Vương là xưng hiệu của Thiên tử Việt Nam, sau đó khi thế nước mạnh lên, các Thiên tử xưng Hoàng đế để tỏ ra ngang hàng với Trung Hoa thì Vương không còn là tước cao nhất.

Các quân chủ xưng Vương:

Trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, để tránh xung đột không cần thiết vì các triều đại Trung Quốc quan niệm thế giới chỉ có một Hoàng đế (xem bài Thiên tửThiên mệnh); các Hoàng đế Việt Nam thường tiếp nhận và sử dụng danh hiệu [An Nam quốc vương; 安南國王] do triều đình Trung Quốc ban phong để quan hệ ngoại giao với họ.

Khi xưng là Hoàng đế, thì "Vương" là một tước hiệu cho thành viên hoàng thất. Các trường hợp phong vương áp dụng trong lịch sử Việt Nam cũng tương tự như trong lịch sử Trung Quốc:

  1. Vương có thể là tước phong cho Hoàng tử, tước phong cho công thần hoàng tộc. Những người này có thể có thực ấp hoặc chỉ có danh vị không, tùy vào tình thế thời đại và quy chế lúc bấy giờ. Các vị Vương của nhà Triệu[1], nhà Lýnhà Trần đều có thực ấp, đất phong và lực lượng riêng để gây dựng cơ nghiệp, lúc này Vương cũng như các chư hầu thời nhà Chu và nhà Hán, như một tiểu quân chủ. Đến khi Hậu Lê phục quốc, đều áp dụng chính sách bổng lộc, hạn chế đất phong và binh quyền, tước Vương khi ấy chỉ là danh vị cao quý mà không còn như một tiểu quân chủ nữa. Tên hiệu của tước Vương thời Lý-Trần đa phần là mỹ hiệu, rồi nhóm các đất phong lại làm thực ấp riêng.
  2. Đời nhà Trần thêm quy chế đặc biệt, theo đó, các tước Vương vào làm Tể tướng đều xưng là "Công" (公), chỉ có Thân vương thì được phục lại tước "Vương".
  3. Theo quan chế nhà Lê sơ, tước Vương chỉ phong cho Hoàng tử hoặc con cả của Hoàng tử đó. Hoàng tử được phong lấy 1 chữ trong tên phủ làm hiệu, ví như Thân vương ở phủ Kiến Hưng thì được gọi là "Kiến vương". Con cả của Thân vương, tức là "Tự Thân vương" (嗣親王) thì được phong thì lấy toàn bộ tên huyện làm hiệu; ví như Tự Thân vương ở huyện Hải Lăng thì gọi là "Hải Lăng vương".
  4. Thời nhà Nguyễn, Vương là tước vị cao nhất trong 20 bậc tôn tước phong cho hoàng tộc, và chỉ khi có công trạng mới được phong, gồm các bậc "Thân vương" và "Quận vương". Bình thường kể cả các Hoàng tử đều chỉ phong Công tước với nhiều cấp bậc, như Thân công (親公), Quốc công (國公) và Quận công (郡公). Cũng như triều Lê, tên của Vương, công triều Nguyễn cũng đều là tên địa danh, cao nhất là phủ rồi huyện. Ví dụ như Thọ Xuân Vương Miên Định, phong hiệu "Thọ Xuân" là tên huyện.
  5. Phong Vương nhằm biểu dương công thần. Như trường hợp năm Ất Mùi (1175), Lý Anh Tông dị mệnh ban Tô Hiến Thành quyền Nhiếp chính quốc sự, gia thêm tước Vương[2]. Hay như năm Giáp Ngọ (1234), Trần Thái Tông gia phong Thái phó triều Lý là Phùng Tá Chu là "Hưng Nhân vương". Hay như cuối thời Lê sơ, Mạc Đăng Dung chủ động tạm lui về quê nhà Cổ Trai thuộc xứ Đông khi đang ở đỉnh cao quyền lực (giai đoạn 1525-1527) để quan sát tình hình và tránh những lời gièm pha chuyên quyền sau khi liên tục được vua nhà Lê gia tăng chức tước bởi công lao dẹp loạn, giữ ổn định chính sự trong nhiều năm. Tháng 4 năm 1527, Lê Cung Hoàng sai đình thần cầm cờ tiết đem kim sách, áo mão thêu rồng đen, đai dát ngọc, kiệu tía, quạt vẽ, lọng tía đến Cổ Trai, tấn phong Mạc Đăng Dung làm An Hưng vương, gia thêm cửu tích.
  6. Trường hợp lấy lòng người cát cứ để tránh chiến tranh, điển hình trong lịch sử Việt Nam là việc dùng tước Vương phong cho tản quan[3]. Như vào năm Mậu Tý (1228), Trần Thái Tông đã gia phong cho sứ quân Nguyễn Nộn làm "Hoài Đạo Hiếu Vũ vương".

Trong đa số trường hợp khác, phong Vương cho người ngoài hoàng tộc là việc làm bị quyền thần bắt buộc của Hoàng đế. Đòi phong Vương để chuẩn bị cướp ngôi như Hồ Quý Ly; hoặc ngại tránh mang tiếng cướp ngôi thì làm tước thế tập nhiều đời như các chúa Trịnh. Việc xưng Vương của các chúa Nguyễn vốn không phải là được phong mà thực chất là lặp lại quá trình thăng tiến dần đến đích của một vùng lãnh thổ trở thành quốc gia độc lập tại Nam Hà, dù trên danh nghĩa người đứng đầu nó vẫn là thần tử nhà Lê.

Theo giai thoại dân gian Việt Nam, vào thời Nguyễn, đã từng có một câu đối được đưa ra có liên quan đến chữ Vương, câu đối do một người Pháp đưa ra: 'Vương là vua, rút ruột vua phân chia ba đoạn". Giải nghĩa là: chữ Vương (viết bằng chữ Hán: 王) nếu bỏ gạch ở chính giữa sẽ thành chữ Tam (三) và có nghĩa là ba (3). Ý của người ra vế đối là có ý chê vua không có tài, để cho đất nước bị chia cắt làm ba miền. Và câu đối này đã được một nho sinh Việt Nam đối lại khá chỉnh: "Tây là tây, chặt đầu tây phanh thây bốn mảnh", trong đó Tây viết bằng chữ Hán là 西, bỏ đầu thì thành 四, tức là tứ (4). [cần dẫn nguồn] Còn có một câu đối Việt Nam khác nữa là "Dầu vương cả đế". [cần dẫn nguồn]